Menu
  
Hoạt động quốc tế

Các thành viên Nhà UEF dự Tọa đàm về công tác đối ngoại, khoa học ngoại giao thời 4.0

15/05/2022

Vừa qua, Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, phát triển khoa học ngoại giao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM (HUFO) phối hợp với Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, báo cáo viên, đại diện lãnh đạo, sinh viên các trường, trong đó có các thành viên Nhà UEF.
Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ủy ban nhân dân Thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Sở Ngoại vụ Thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành; đại diện các tổ chức thành viên của Liên hiệp và các Chi hội trực thuộc; các chuyên gia, diễn giả; các đối tác của Liên hiệp; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Phía quốc tế gồm: Tổng lãnh sự, nhân viên Tổng lãnh sự quán; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại TP.HCM; các nghiên cứu sinh, học giả đang nghiên cứu, học tập, sinh sống tại TP.HCM có quan hệ hợp tác với Liên hiệp tại TP.HCM.

 



Các thành viên Nhà UEF tham dự tọa đàm         

 

Đại diện UEF tham dự tọa đàm có TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện Quốc tế, ThS. Huỳnh Tú Anh - Phó Viện trưởng Viện Quốc tế, ThS. Lê Thế Hiển - Giảng viên Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn, thành viên thư ký Phiên Tọa đàm về Hợp tác văn hóa - giáo dục, cô Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Khoa Tài chính - Thương mại - đại diện cho nhóm giảng viên báo cáo thuyết trình trong phiên tọa đàm về Hợp tác kinh tế - thương mại cùng 10 bạn sinh viên trường.

 

Phát biểu đề dẫn và chỉ đạo tọa đàm, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho rằng đối ngoại nhân dân là nội dung then chốt và xuyên suốt, bản lề của hoạt động của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và TPHCM. Vì thế, người làm đối ngoại nhân dân ngoài bản lĩnh, trí tuệ cũng cần nghệ thuật, khoa học trong đường lối đối ngoại.

 

Sinh viên UEF có dịp học hỏi thêm kiến thức ngoại giao từ sự kiện quy mô này

 

Ngay sau đó, 3 phiên tọa đàm đã diễn ra đồng thời. 19 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã tập trung làm rõ nghệ thuật của con đường đối ngoại nhân dân của TP.HCM và Việt Nam đối với các nước bạn ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu 3 nhóm thảo luận xoay quanh các vấn đề: Hợp tác về văn hoá, giáo dục; Hợp tác về kinh tế, thương mại; Hợp tác về Khoa học công nghệ, y tế và sức khỏe cộng đồng.

 


 Tọa đàm diễn ra với 3 phiên với 3 nhóm chủ đề thảo luận

 

Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật ngoại giao nhân dân trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Đây là hai lĩnh vực quan trọng và gần gũi trong nghệ thuật đối ngoại được vận dụng linh hoạt và khôn khéo của ngoại giao.

 

Riêng với bài thuyết trình của nhóm tác giả UEF do cô Nguyễn Thị Nguyệt Anh trình bày đã đề cập đến những tác động, cơ hội và thách thức của tự do hóa thương mại và hội nhập tế tại Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại mới. Nhóm tác giả hệ thống lại một số cơ sở lý luận về thuế quan, phi thuế quan cũng như nhận diện những ảnh hưởng của chúng quan đối với nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu để từ đó làm cơ sở chỉ ra những cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Với môi trường quốc tế hóa, không ngừng đẩy mạnh công tác ngoại giao trong giáo dục cùng các ngành học liên quan đến yếu tố quốc tế, đối ngoại, ngoại giao như Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế,… việc tham gia tọa đàm sẽ giúp lãnh đạo, giảng viên, sinh viên UEF học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

 

TT.TT-TT

TIN LIÊN QUAN