Menu
  
Tin hướng nghiệp

Vai trò của việc hướng nghiệp chọn nghề

19/04/2020
Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy giá trị tài năng, thỏa mãn đam mê và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là điều mà hầu hết học sinh quan tâm. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh) xoay quanh vấn đề này.
 
chọn ngành UEF
Ông Phạm Doãn Nguyên tư vấn thông tin tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh
 
PV: Nhìn lại quá trình hoạt động trong vai trò chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, ông có suy nghĩ gì về vấn đề chọn ngành nghề của học sinh hiện nay?
- Hơn 10 năm nay tôi luôn dành tâm huyết và tình cảm của mình cho công việc tư vấn hướng nghiệp. Thực chất, việc chọn nghề nghiệp và ngành học rất quan trọng, nó góp phần lớn quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp…, công tác hướng nghiệp được thực hiện rất sớm từ khi các em học sinh còn học mầm non, tiểu học. Ở nước ta, công tác hướng nghiệp đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề.
Tuy nhiên, ở khía cạnh chung thì công tác hướng nghiệp hiện nay trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ, thậm chí có địa phương học sinh học đến lớp 12 vẫn chưa một lần tiếp cận thông tin về ngành nghề, một bộ phận khác các em lại không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt là đậu ĐH. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và kéo theo là hệ lụy bị đào thải, khó kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ông vừa nhắc đến tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề, vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những “bí quyết” khi chọn ngành nghề?
- Khi tư vấn cho phụ huynh và các em học sinh, tôi luôn bộc bạch chân thành hết tâm tư của mình. Để chọn được ngành nghề phù hợp trước hết phải nhận diện và hiểu được bản thân mình có được tài năng, năng lực và khả năng gì, để có được điều này các em cần phải thực hiện một số công cụ như: trắc nghiệm Holand, trắc nghiệm MTBI, tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn. Tiếp theo, các em cần xác định đúng niềm đam mê, yêu thích của bản thân đối với ngành nghề sẽ chọn, thái độ, tình cảm, cảm xúc của bản thân sẽ là “cú hích” to lớn để đưa bản thân mỗi chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách đi đến thành công. Và, cuối cùng, các em cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường lao động, sự chuyển dịch lao động luôn diễn ra, đặc biệt, là trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, điều đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về người “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp hiện nay?
- Tư vấn hướng nghiệp là công việc áp lực không nhỏ, nó liên quan đến tương lai của con người cụ thể. Hiện nay, nhiều thầy cô thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp kiêm nhiệm từ các trường THPT, CĐ, ĐH; trong đó, có một bộ phận thầy cô chưa có kinh nghiệm tư vấn, nắm chưa vững về các lĩnh vực nghề nghiệp, thiếu trải nghiệm thực tế nên dẫn đến chất lượng nội dung tư vấn chưa cao, thậm chí đưa học sinh đến “mê cung” nghề nghiệp.
Theo tôi, người làm công tác tư vấn hướng nghiệp là những nhà định hướng “kiến tạo tương lai cho người khác”. Đó là công việc không dễ bởi vì cần đến nhiều tố chất và cả bản lĩnh nghề nghiệp. Một người tư vấn hướng nghiệp, ngoài yêu nghề thì điều quan trọng nhất là không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một đơn vị nào mà vì tương lai của thế hệ trẻ, vì sự phát triển chung của xã hội, phải có tâm đức, có tầm nhìn, kiến thức am hiểu sâu và chắc chắn về những nhóm lĩnh vực mình tư vấn, phải có ý thức trách nhiệm cao, tính trung thực khách quan, có sự hiểu biết rộng và nhạy bén với xu hướng phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới, nắm chắc về những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục.
Tư vấn hướng nghiệp là một chuyện, còn chuyện lựa chọn học và làm hay không là quyền của người học. Ông có lời khuyên nào dành cho các em học sinh đang đứng trước thềm chọn ngành nghề năm nay không?
- Đúng như vậy, các chuyên gia hướng nghiệp xét đến cùng cũng chỉ là một kênh để các em “được đánh thức” khi chọn nghề, cung cấp cho các em những thông tin cần thiết và quan trọng như: làm thế nào để khám phá và nhận diện được bản thân, biết được các yếu tố cần thiết của nghề nghiệp… Tôi muốn đưa đến các em học sinh đang đứng trước thềm chọn ngành nghề năm nay một thông điệp rằng: Thực tế, không có ngành nghề nào “hot” chỉ có con người “hot” trong ngành nghề đó mà thôi. Vì vậy, các em cần nhìn nhận khách quan cả những “hào quang” và “khoảng lặng” của nghề, để từ đó hài lòng và sống được với nghề sẽ chọn. Chọn đúng ngành nghề phù hợp là bệ phóng cho tài năng phát triển và thành công trong tương lai.

 
V.Mạnh - Báo Giáo dục TP.HCM
TIN LIÊN QUAN