Menu
  
Tin tức sự kiện

Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức hội thảo về phát triển chương trình đào tạo thích ứng biến động chung

26/07/2021
 
Nhằm trang bị cho sinh viên khả năng thích ứng với những thay đổi, có kỹ năng quản lý rủi ro, ứng phó hiệu quả với mọi sự bất bình đẳng, kỹ năng giải quyết những vấn đề mang tính tích hợp của môi trường làm việc nhóm đa dạng, sáng 26/7, khoa Quan hệ quốc tế đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển chương trình đào tạo ngành Quan hệ quốc tế thích ứng với Thời kỳ Bình thường mới (The New Normal)”
Hội thảo trực tuyến có sự tham dự của các khách mời gồm: Đại sứ, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương - Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) 2020, nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao; GS.TS. Phạm Quang Minh - Khoa Quốc tế học, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐHQG Hà Nội; ThS. Vũ Quốc Anh - Phó Viện trưởng, Viện KHXH&NV - HUTECH; ThS. Nguyễn Đăng Khoa - Bộ môn Quan hệ quốc tế, Viện KHXH&NV - HUTECH; TS. Phạm Thị Bích Lan - Phụ trách khoa Quan hệ quốc tế - HUFLIT; TS. Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Bộ môn Quốc tế học, ĐH Sư phạm TP.HCM; ông Trần Đình Vũ Hải - Phó Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM; Đại sứ, cán bộ ngoại giao Việt Nam tại một số quốc gia, cùng các lãnh đạo, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế UEF. 
 
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên ngành Quan hệ quốc tế
 

Vấn đề phát triển chương trình đào tạo ngành Quan hệ quốc tế trước biến động chung được chú trọng nghiên cứu 

Mở đầu buổi hội thảo, TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế UEF đã trình bày báo cáo đề dẫn với chủ đề “Thế giới đã thay đổi - Chúng ta phải thay đổi". Báo cáo xoay quanh vấn đề về đặc điểm của thời kỳ “The New Normal” (Bình thường mới) và thế giới đã thay đổi thế nào từ khi xuất hiện đại dịch Covid, công dân toàn cầu bền vững đòi hỏi những yếu tố gì khác với công dân toàn cầu trước 2020, và ngành Quan hệ quốc tế sẽ phải thay đổi ra sao để đáp ứng được với mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu bền vững.
Ở phiên báo cáo đầu tiên, các đề tài được trình bày gồm: “Những vấn đề đặt ra với phương pháp giảng dạy ngành học Quan hệ quốc tế từ sau đại dịch Covid 2020” - TS. Đào Minh Hồng, Khoa Quan hệ quốc tế UEF, “Công tác đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh bình thường mới và thực trạng nguồn nhân lực đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay - một số đề xuất” - ông Trần Đình Vũ Hải - Phó Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM, “Ngành Quốc tế học - Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới phương thức dạy và học dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 (từ tháng 3/2020 - 6/2021)” - TS. Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Bộ môn Quốc tế học, ĐH Sư phạm TP.HCM, “Đổi mới phương pháp giảng dạy ngành Quan hệ quốc tế thích ứng với thời kỳ bình thường mới” - Thầy Đồng Minh Quang - Cử nhân ngành Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. 
 



Chương trình đào tạo các môn học chuyên ngành cũng được nghiên cứu để phù hợp hoàn cảnh 
 
Ở phiên báo cáo thứ 2, các đề tài nghiên cứu nhấn mạnh vào các môn học chuyên ngành được trình bày gồm: “Nhận diện thực trạng và đề xuất giải pháp trong việc giảng dạy, học tập môn Những vấn đề toàn cầu của sinh viên Quan hệ quốc tế trong trạng thái bình thường mới” - ThS. Lê Phương Cát Nhi, Khoa Quan hệ quốc tế UEF, “Tầm quan trọng của môn học Địa chính trị trong Quan hệ quốc tế” - ThS. Nguyễn Thế Phương, Khoa Quan hệ quốc tế UEF, “Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy môn học Chính sách đối ngoại Việt Nam” - ThS. Phạm Hoàng Sơn, Khoa Quan hệ quốc tế UEF.
Sau mỗi phiên báo cáo, các khách mời của hội thảo tiến hành thảo luận, góp ý và nhận xét về đề tài, đưa ra vấn đề để phát triển và hoàn thiện hơn đề tài đã nghiên cứu.
Đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tuy nhiên nó cũng đặt ra cơ hội cho việc tái cấu trúc những nội dung cơ bản của ngành Quan hệ quốc tế. Đó là khi chủ nghĩa dân túy, chủng tộc, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, trí tuệ nhân tạo, cạnh tranh giữa các cường quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ và đại dịch sẽ đóng vai trò định hình lại những vấn đề toàn cầu.
Những vấn đề nghiên cứu được trình bày trong hội thảo đã góp phần giúp giảng viên thiết kế, xây dựng lại chương trình đào tạo trong ngành Quan hệ quốc tế nói riêng và các ngành học nói chung để kịp thời thích ứng với thời kỳ bình thường mới. Đồng thời, hội thảo cũng xác định được những vấn đề quan trọng khác cần nghiên cứu để phát triển toàn diện hơn ngành Quan hệ quốc tế. 
 
Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN