Menu
  
Tin tức sự kiện

UEFers học làm bánh Trung thu, trải nghiệm thực tế để yêu hơn nghề bếp

14/09/2021
Với mong muốn truyền tải thông điệp tích cực đến sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống về xu hướng của lĩnh vực F&B hiện tại nói chung, tiếp thêm động lực cho các bạn yêu thích nghề bếp và làm bánh nói riêng, sáng 14/9, khoa Quản trị du lịch - Khách sạn đã tổ chức F&B job opportunities workshop “Moon cake start-up”.
Chương trình được tổ chức trực tuyến với diễn giả là Đầu bếp Nguyễn Lâm Khang - Phó phòng Đào tạo Công ty Nhất Hương, chuyên cung cấp nguyên liệu làm bánh và nấu ăn, đào tạo khóa học về nghề bánh. Bên cạnh chia sẻ của Đầu bếp Lâm Khang, sinh viên còn được lắng nghe kinh nghiệm từ các giảng viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống về lĩnh vực F&B. 

 
làm bánh

Đầu bếp Nguyễn Lâm Khang là diễn giả chính của chương trình - Ảnh: SGTT
 
Về phía UEF có TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Trần Văn Thông - Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn, ThS. Nguyễn Vương Hoài Thảo - Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn, ThS. Nguyễn Thị Kim Thoại - Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn cùng các giảng viên khoa và sinh viên tham dự. 
 

Sinh viên ngành F&B đã có thêm những kiến thức bổ ích từ chia sẻ của các diễn giả, thầy cô


Theo chia sẻ của Đầu bếp Lâm Khang, điều cần có của một người chọn nghề bánh là phải đam mê và luôn mang tính tò mò, tìm hiểu để làm những thứ mới mẻ. Đối với sinh viên yêu thích nghề bánh, sự bắt đầu để có hành trang vững chắc là cố gắng học lý thuyết, các khóa ngắn hạn đào tạo làm bánh ở trường, sau đó có thể tìm đến trung tâm để học thêm kiến thức chuyên sâu. 
 




Đầu bếp Nguyễn Lâm Khang hướng dẫn chi tiết cách làm bánh Trung thu 

Đặc biệt, trước thềm đến Tết Trung thu, anh Lâm Khang đã hướng dẫn trực tiếp cho các bạn sinh viên cách làm bánh Trung thu với từng bước cụ thể. Với hình thức trực tuyến, đầu bếp đã tự ghi hình và chia sẻ chi tiết công đoạn cho các bạn hình dung dễ dàng hơn. 
Bên cạnh lĩnh vực làm bánh nói riêng của Đầu bếp Lâm Khang, các giảng viên của ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đã phân tích cho sinh viên về lĩnh vực F&B. 
Theo ThS. Ngô Thanh Phương Quỳnh, xu hướng của ngành F&B ở thời gian hiện tại và trong tương lai sẽ có  mức độ phục hồi 9%, nhu cầu tăng và thói quen mua sắm thay đổi theo các xu hướng gồm: 100% tự nhiên, mua trực tuyến, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn chất lượng, đồ ăn theo xu hướng phát triển bền vững (bếp + app ứng dụng). 
 


Lời khuyên và các vị trí việc làm trong ngành F&B được giảng viên chia sẻ

Xu hướng mới trong tuyển dụng F&B gồm các công việc ngắn hạn (Banquet, Chef) và dài hạn (Self-employed đến Startup, Professional employee, High-quality server, Sommelier, Barista, Bartender). 
Đối với nghề bếp, ThS. Trần Lê Thanh Thiện cho biết xu hướng, cơ hội việc làm cho nghề bếp sau giai đoạn Covid-19 sẽ tăng cao nhu cầu nhân sự như phụ bếp, phục vụ,... Các bạn sinh viên cần nắm vững kỹ năng cơ bản và có tinh thần chịu khó ngay từ bây giờ. 
 


Những yếu tố cần thiết cho các bạn muốn khởi nghiệp trong ngành F&B

Theo đó, kỹ năng cần thiết để có được công việc trong nghề bếp là luôn có niềm đam mê với nghề và ẩm thực, luyện tập khả năng nêm nếm, học cách kiểm soát nhiệt độ, giữ vệ sinh khu vực làm việc, chủ động nâng cao kiến thức về ẩm thực, có sổ ghi chép riêng, biết cách lắng nghe để thay đổi tích cực. 
Thầy cô cũng đã đưa ra lời khuyên dành cho sinh viên học ngành F&B và hướng dẫn cách các bạn khởi nghiệp trong ngành này qua sự chia sẻ của ThS. Trần Thị Phương Thảo. Các giai đoạn khởi nghiệp, điều kiện cần có, công cụ, thực trạng và cách giải quyết trong giai đoạn hiện nay,.. được cô phân tích rõ ràng. 
Thông qua phần tương tác đặt câu hỏi trực tiếp, sinh viên đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về ngành F&B, tự khích lệ bản thân có động lực học tập vì sự phát triển của ngành này đang trong giai đoạn phục hồi. Hy vọng với những chia sẻ của diễn giả, các bạn sẽ cố gắng trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng từ bây giờ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. 

 
 Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN