Menu
  
Tin tức sự kiện

Viatmins For Student Life: Thông điệp cuộc sống từ những bức ảnh "biết nói" của Ngô Trần Hải An

09/10/2021
“Một bức ảnh hơn ngàn lời nói” là quan điểm của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đồng thời cũng là Travel Blogger được lòng nhiều bạn trẻ với hàng loạt tác phẩm bình dị nhưng sống động, chân thực. Cái “hồn” của những cú bấm máy càng được thể hiện rõ nét trong suốt thời gian qua – khi Sài Gòn “không khỏe”. Những câu chuyện ẩn sâu trong từng bức ảnh mùa 5K và “nghề làm ảnh” đã được tác giả kể lại trong chương trình “Friday, 7pm - Vitamins For Student Life” số thứ 5 với chủ đề “Sống trách nhiệm, tử tế, yêu thương”, phát sóng vào tối ngày 8/10 vừa qua. 
 
Bên cạnh chữ viết, hình ảnh là phương tiện kể chuyện dễ chạm đến cảm xúc người xem
 
Người được nhắc đến là anh Ngô Trần Hải An hay còn được gọi với biệt danh là “Quỷ Cốc Tử”. Suốt 20 năm theo đuổi hành trình khám phá những câu chuyện và chinh phục các cung đường, anh đã đặt chân đến khoảng 40 quốc gia trên thế giới với không ít lần cận kề nguy hiểm, tạo ra kho tàng ảnh đầy giá trị cho mình.
 

Hình ảnh nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An khi tác nghiệp trước và trong thời kỳ dịch bệnh
 
Gần đây nhất là những lần dấn thân trong khi thành phố đang căng mình chống dịch. Anh đã ghi lại hình ảnh khốc liệt trong trận chiến sinh – tử của bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện điều trị Covid, hàng ngũ bộ đội ngày đêm gác chốt ở biên giới hay tất tả đi chợ hộ. Đôi khi ống kính vô tình lướt qua những mảnh đời vô gia cư, những đứa trẻ mồ côi hay các gia đình đang oằn mình chống chọi trong cơn đại dịch. Với anh An, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép phản ảnh những góc độ khác nhau trong đời sống. Kết hợp lại, chúng ta mới có được cái nhìn tổng quan và cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống xung quanh mình. 
 
 






Nhiều hình ảnh đẹp lọt vào ống kính của "Quỷ Cốc Từ", thể hiện đa góc nhìn trong mùa dịch
 
Anh vẫn nhớ hình ảnh căn chòi tạm bợ của đôi vợ chồng mưu sinh bằng nghề xây dựng. Từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh, công trình đều cho nghỉ, lại không có nhà, chỉ có một chiếc xe máy nhưng yếu sức không thể về quê nên đành dựng một căn lều không đủ che mưa để ở tạm, sinh sống nhờ vào sự thương tình của lối xóm xung quanh. 
 
Hai vợ chồng sống trong túp lều dựng tạm…
 
Hay hình ảnh một người đàn ông khuyết tật đang thờ thẫn ngồi trước quan tài vợ. Do dịch bệnh không thể đem mai táng nên phải đành để lại trong căn nhà nhỏ chật hẹp, chỉ còn đủ 1 góc vừa cho anh nằm. 
Cũng vô tình trên đường, anh ghi lại hình ảnh chiếc xe chở ve chai đang lăn bánh chầm chậm, phía trước là cô bé 5 tuổi, ngồi sau chở là ông ngoại em. Hai mảnh đời già trẻ nương tựa nhau khi ba mẹ em bỏ nhau và bỏ luôn em ở lại.
 
Bé Cẩm Duyên 5 tuổi mưu sinh cùng ông ngoại bằng chiếc xe ve chai khá cũ
 
Luôn đặt cảm xúc của mình trong từng khoảnh khắc, anh không khỏi bùi ngùi khi nhìn lại hình ảnh 2 tay bấu vào nhau của một em bé trong lúc đi phát quà. Vì dịch bệnh Covid khiến em mất mẹ, sau đó, không rõ lý do, ba cũng tự thiêu, bỏ em lại sống với người cô. Hình ảnh được anh An bấm máy từ phía sau khi em đang trả lời câu hỏi của các đồng nghiệp khác. Chỉ với 2 bàn tay ghì chặt người xem cũng có thể cảm nhận em đã chịu những mất mát lớn như thế nào, càng khắc họa rõ thêm sự khốc liệt trong cơn đại dịch. 
Bốn câu chuyện, bốn mảnh đời là con số rất ít trong kho tàng ảnh của nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An mùa dịch nhưng cũng đủ để người xem thấy chạnh lòng.
Bên cạnh đó, nếu ai đã quen với cuộc sống nhộn nhịp và tất bật của thành phố này thì từ những góc chụp của anh sẽ không khỏi buồn khi nhìn những điểm giao chủ chốt hay kẹt xe giờ cũng thoáng đãng, vắng lặng, phủ lên đường phố Sài Gòn một sự trầm lắng lạ thường. 
 




Sài Gòn những ngày giãn cách qua góc nhìn của “Quỷ Cốc Tử”
 
Anh chia sẻ: “Khi chụp ảnh, chúng ta cũng cần đặt cảm xúc vào thì người xem mới cảm nhận được thông điệp mình cần truyền tải. Cảm xúc tức là khi nhìn vào ống kính, mọi thứ xung quanh sẽ trở nên tối đi, chỉ có vùng trong ống kính sẽ sáng lên, bạn tự cảm nhận và bắt chụp những khoảnh khắc mà người khác sẽ không có được. Ví dụ như khi tác nghiệp, đặt cảm xúc vào câu chuyện của nhân vật, mình sẽ có được sự đồng cảm. Từ đó, có thể đoán trước cảm xúc của họ để kịp thời ghi lại. Những bức ảnh đó sẽ mang nhiều giá trị hơn bình thường”.
Nói về 3 điều đặc biệt làm nên những tác phẩm có hồn, anh Hải An cho biết đó là cảm xúc, kỹ thuật và sự phóng khoáng từ trong con người. Trong đó anh nhấn mạnh đến cảm xúc là điều tạo nên sự khác biệt và để lại dấu ấn cá nhân của người chụp. 
Xuát phát điểm là dân công nghệ thông tin, chuyển hướng sang công việc liên quan đến nghệ thuật, báo chí là bước ngoặt lớn đối với “Quỷ Cốc Tử”. Nhân dịp này, anh cũng gửi lời khuyên đến các bạn sinh viên: “Ngay từ bây giờ, nếu bạn phát hiện mình đam mê cái gì thì hãy mạnh dạn thử sức và theo đuổi, đừng đứng ở vai trò “khán giả” mà hãy dấn thân trực tiếp để cảm nhận rõ ràng hơn mọi việc. Tuổi trẻ được phép sai lầm vì vẫn còn cơ hội sửa. Hãy cho bản thân một khoảng thời gian vấp ngã, sau đó, đứng lên và theo đuổi lý tưởng sống mà mình đã tìm được”.
Khép lại phần chia sẻ của mình, anh mang đến không khí ấm áp, nghĩa tình với hình ảnh những đội tình nguyện viên trao quà cho trẻ em, người khuyết tật hay những nghệ sĩ xả thân vào khu cách ly hỗ trợ và phục vụ cho bệnh nhân Covid. 
 


Những hình ảnh ấm cúng, nghĩa tình mùa dịch
 
Thông qua những hình ảnh và câu chuyện mình chia sẻ, diễn giả mong muốn cùng sinh viên nhìn lại hành trình của người dân Việt khi đứng trước một biến cố lớn, cách mà mọi người thể hiện sự “tương thân tương ái”. Qua đó, bản thân mỗi bạn trẻ cũng tự nhìn nhận về sự trưởng thành của mình và suy ngẫm về vấn đề “sống trách nhiệm, tử tế và yêu thương”.
Vừa thời sự lại vừa có ý nghĩa nhân văn, chương trình đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo UEFers. Nhiều bạn đã bày tỏ xúc động và sự yêu thích của mình dành cho diễn giả và tác phẩm của anh. 
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN