Menu
  
Tin tức sự kiện

UEFers phân tích câu chuyện về Quản trị chiến lược và Quản trị bán lẻ thời Covid cùng chuyên gia

14/12/2021
Tối ngày 13/12 vừa qua, khoa Quản trị kinh doanh đã tổ chức 2 lớp báo cáo chuyên đề với môn Quản trị chiến lược và Quản trị bán lẻ. Đây là hoạt động được khoa tổ chức trong mỗi học kỳ nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, thông tin về nhiều khía cạnh mới của ngành nghề dưới góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp. Đặc biệt, trong suốt giai đoạn dịch bệnh và bối cảnh bình thường mới đã có nhiều tác động đến hoạt động kinh doanh, quản lý. 

 

Quản trị chiến lược thời Covid và bình thường mới

 

Mở đầu chương trình bằng những câu hỏi tương tác về sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với mỗi cá nhân, bà Phạm Thanh Trúc – Giám đốc vận hành Công ty Thành Công Thành đã chỉ ra nhiều tác động của Covid đối với các doanh nghiệp. Tính đến tháng 9/2020, 3 lĩnh vực kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nhất là dịch vụ, công nghiệp – xây dụng và nông, lâm, thủy sản. 
 



Số liệu thống kê về tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng theo khu vực kinh tế tính đến 9/2020
 
Theo bà Trúc, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: nguồn lao động, tài chính và nguồn cung ứng. Theo đó, với tình trạng người lao động từ các trung tâm thành phố, đô thị kéo nhau về quê khiến các doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự khi quay lại tình trạng hoạt động. Ngược lại, gây áp lực về việc làm đối với các tỉnh. Về tài chính, giai đoạn trong và sau dịch, Nhà nước đang tập trung tài lực hỗ trợ cho y tế, người lao động và những vấn đề cấp bách khác. Vì vậy, việc doanh nghiệp tiếp cận, vay vốn cũng trở nên khó khăn hơn trước. 
 

Bà Phạm Thanh Trúc từng kinh qua các vị trí công việc khác nhau và có nhiều kinh nghiệm trong kinh doạnh, quản lý
 
Diễn giả cho biết, trong tình hình vừa qua, yếu tố ảnh hưởng đến sản phẩm, dịch vụ không chỉ còn phụ thuộc vào mỗi chất lượng mà sự tác động của môi trưởng bên ngoài cũng rất quan trọng. Từ những việc sinh hoạt thường ngày cũng trở nên khó khăn thì việc quản lý, vận hành doanh nghiệp càng phức tạp. Bà Trúc nhận định: “Chúng ta đang sống trong thời buổi mà không biết trước được những ngày tiếp theo. Covid ảnh hưởng và làm thay đổi nhiều thứ mà không lường trước được”. Những vấn đề được khách mời phân tích chính là trạng thái VUCA. 
 



Một số vấn đề được khách mời chia sẻ
 
Khi đối mặt cùng những thách thức lớn, mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi, sự thay đổi phù hợp tùy vào nội tại của công ty. Khẳng định rằng không có bất kỳ một công thức chung nào cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, diễn giả đề xuất một số giải pháp doanh nghiệp cần làm như: xác định ưu tiên chiến lược, lợi thế cạnh tranh; tái cơ cấu chi phí, tinh gọn quy trình và đòa tạo, cơ cấu nhân sự theo hướng mới. 
 


Hoạt động có sự tham của các thầy, cô và nhận được sự tương tác tích cực từ phía sinh viên

 

Quản trị bán lẻ trong bối cảnh biến động chung

 

Song song đó, buổi báo cáo chuyên đề môn Quản trị bán lẻ cũng diễn ra, bà Lê Thục - CEO Guardian Việt Nam chính là diễn giả chia sẻ cùng UEFers. Trong câu chuyện này, khách mời trao đổi cùng sinh viên 4 vấn đề chính: Những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến nền công nghiệp bán lẻ như thế nào trong thời Covid, những tác động nghiêm trọng của nền công nghiệp bán lẻ, những thay đổi cơ bản để thích nghi trong bán lẻ, cách quản trị bán lẻ mới trong thời kỳ “bình thường mới”. Theo đó, 4 yếu tố tác động đến việc quản trị bán lẻ trong thời đại Covid, bao gồm: chính trị, xã hội, kinh tế và công nghệ. 
 

Bà Lê Thục mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức về quản trị bán lẻ thời Covid
 
Đó là những quy tắc của Nhà nước đưa ra về thực phẩm, mặt hàng thiết yếu, giãn cách, giờ giới nghiêm, vận tải, kinh doanh liên tiếp, an toàn trong phòng, chống dịch,… Đó là thói quen đeo khẩu trang, work from home, hạn chế du lịch, mua sắm trực tuyến,… của con người. Từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, phát triển các giao dịch trực tuyến, Internet Banking, các nền tảng học tập, làm việc online. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng mà ai cũng có thể thấy – sự tụt dốc không phanh của nền kinh tế. 
 



Những nội dung được diễn giả chia sẻ cùng UEFers liên quan đến quản trị bán lẻ
 
Bối cảnh “bình thường mới”, các hoạt động đã được trở lại nhưng trong tình trạng sống chung với dịch và sau một giai đoạn biến động đã có những thay đổi nhất định. Bà Lê Thục đã đưa ra một số khuyến nghị về cách quản trị bán lẻ để có thể thích nghi tốt như: Cho ra một loại hình kinh doanh mới nhằm đáp ứng khách hàng trong thời kỳ mới, xây dựng các cửa hàng nhằm đáp ứng phong cách và mô hình mới, xây dựng hoạt động cho trụ sở chính để không làm giảm bớt hoạt động của doanh nghiệp trong tình trạng khẩn cấp và kiểm tra lại kế hoạch kinh doanh liên tục có liên quan đến các đối tác, nhà cung cấp. 
Khép lại các buổi báo cáo chuyên đề, UEFers đã tích lũy thêm các kiến thức thực tiễn từ diễn giả. Các vấn đề được phân tích đều đi kèm cùng những ví dụ thực tế giúp các bạn hình dung rõ hơn về câu chuyện được nhắc đến. Từ đó, sinh viên UEF có thêm những góc nhìn khác, tư duy mới hơn về việc xử lý vấn đề trong kinh doanh, quản lý thời kỳ dịch bệnh.
 
Quy Nguyễn – Thảo Nguyên
TIN LIÊN QUAN