Lần đầu tiên ra mắt năm 2019, “phiên tòa giả định” đã trở thành môi trường học thuật uy tín, mang đến nhiều giá trị thiết thực cho sinh viên UEF và cộng đồng: Vừa giúp các bạn củng cố kiến thức, vừa tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân.

Vận dụng những nền tảng lý thuyết vào trường hợp thực tế của đời sống, sinh viên được rèn luyện và phát huy năng lực chuyên môn. Mỗi “phiên tòa”, các bạn được trải nghiệm những vị trí khác nhau từ Chủ tọa, Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên tòa, Luật sư đến bị cáo, đồng phạm, người làm chứng,...

 

Khởi đầu ở phạm vi trường học, hoạt động dần lan tỏa và được tổ chức tại các địa phương. Dừng chân trên một địa bàn, chương trình giúp người dân khu vực nhận thức sâu sắc hơn luật pháp của một vấn đề thông qua “xử lý” các vụ việc như giải quyết tranh chấp thừa kế; mua bán trái phép chất ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình;...



 

“Em cảm thấy việc phổ biến kiến thức về pháp luật và các thực trạng xã hội thông qua hình thức này sẽ giúp chúng em tiếp thu thông tin một cách sinh động, dễ hiểu và dễ nhớ hơn” - bạn Bùi Thị Khánh Vy - Học sinh lớp 11 trường Trần Hưng Đạo bày tỏ sự hứng thú khi theo dõi phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại trẻ em.



 

Sau khi quan sát phiên tòa giả định xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, cô Tuyết Mai - Người dân sinh sống tại địa bàn phường Tân Phú chia sẻ: “Từ phiên tòa, tôi đã hiểu hơn về những tác hại của ma túy để phòng tránh”.



 

Song song các “phiên tòa giả định”, Khoa Luật tổ chức chuỗi hoạt động “Một ngày trải nghiệm một nghề Luật”. Hoạt động học tập trực tiếp tại các cơ quan, văn phòng, công ty luật trên địa bàn TP.HCM trang bị cho sinh viên những kiến thức hữu ích và tăng cường kỹ năng thực tế về các môn học chuyên ngành. Tại mỗi điểm đến, sinh viên tìm hiểu và "nhập vai" vào những vị trí công việc như: công chứng viên, thẩm phán, luật sư, thừa phát lại, kiểm sát viên, chấp hành viên,...



Với hệ thống kết nối doanh nghiệp dày đặc, các bạn còn có nhiều cơ hội được gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia về luật ở nhiều góc độ. Những nhân vật đã từng được mời đến trong các buổi tọa đàm, workshop, talkshow của Nhà UEF có thể kể đến như: Tiến sĩ - Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán Nguyễn Mai Trâm - Tòa án Nhân dân TP.HCM; Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương; Luật sư Võ Đan Mạch - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tapha, Bí thư Đoàn Thanh niên Luật sư TPHCM;...


Ngoài ra, Khoa Luật cũng duy trì cuộc thi “Law’s Conquerors” trong những năm gần đây. Đây là một sân chơi có quy mô mở rộng nhằm tạo môi trường chinh chiến để sinh viên UEF gặp gỡ các đối thủ để “định vị” bản thân. Một trong những yêu cầu bắt buộc của đấu trường này là năng lực ngoại ngữ. Ngoài lộ trình đào tạo song ngữ, tiếng Anh 7 cấp độ, sinh viên Khoa Luật UEF còn được trau dồi tiếng Anh pháp lý trong mỗi học kỳ.



 

Sinh viên Nguyễn Ngọc Nhã Can, ngành Luật chia sẻ: “Thông qua những chuyến đi trải nghiệm, chúng em học hỏi nhiều hơn, định hướng được nghề nghiệp tương lai phù hợp. Một điều ấn tượng nữa là khi theo học ngành Luật tại UEF có các khóa học về Tiếng anh pháp lý. Đây là cơ hội để chúng em giao lưu học tập, tiếp thu cái mới, tìm kiếm tài liệu học tập dễ dàng hơn”. 



 

Tại các “phiên tòa giả định”, sinh viên được hướng dẫn tiến hành đầy đủ các bước của một phiên tòa xét xử gồm: thủ tục, tranh tụng, tranh luận, nghị án, tuyên án. Trong mỗi khâu đều được các bạn thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Xuyên suốt hoạt động, các bạn sinh viên cũng khéo léo lồng ghép vào đó các kiến thức về tâm lý, hành vi con người và các thực trạng phổ biến trong xã hội ngày nay.


Môi trường học tập thực tiễn ở UEF hướng sinh viên đến sự phát triển hoàn thiện về kỹ năng pháp luật như: Kỹ năng đọc, nghiên cứu, phân tích hồ sơ, tài liệu, thủ tục, trình tự tố tụng, kỹ năng tranh tụng, kỹ năng điều khiển phiên tòa,... Từ đó giúp các bạn có điều kiện làm quen với môi trường pháp lý, thực hành hiệu quả môn học, sẵn sàng hòa nhập vào thực tế công việc trong tương lai.



 

Phiên tòa giả định là mô hình học tập phù hợp với nhiều đối tượng, mang tính trực quan, sinh động giúp người xem tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu. Bên cạnh đó, đây còn là kênh giáo dục có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối với tất cả các đối tượng. Cùng với kiến thức được trang bị, hoạt động gắn kết thực tiễn giúp sinh viên hiểu sâu hơn về lĩnh vực làm nghề, chuẩn bị hành trang nghề nghiệp vững chắc, đáp ứng nhu cầu xã hội.


DESIGN: PHÚC
CONTENT: QUY NGUYỄN