Menu
  
Tin tuyển sinh

[Step Up Your Future 15/4] 3 điều cần lưu ý và 4 yếu tố về bản thân để có bộ hồ sơ dự thi hoàn thiện

16/04/2021
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, team 2k3 sẽ tiến hành đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều bạn đang bối rối về cách điền hồ sơ như thế nào cho đúng?, đăng ký nguyện vọng như thế nào cho phù hợp?, Cần lưu ý những gì khi chọn ngành?,… Chương trình Step Up Your Future số thứ 7 được phát sóng vào lúc 19g30 ngày 15/4 vừa qua với chủ đề “Những lưu ý khi chọn ngành và nộp hồ sơ đăng ký dự thi” đã giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên. 
“Gỡ rối” cho thí sinh trong số này là các chuyên gia, thầy cô gồm: TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, Ông Trần Anh Tuấn – Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, ThS. Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh UEF, cô Lê Thị Hồng Anh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt TP.HCM.
 

Các thầy cô tham gia tư vấn tối ngày 15/4
 
3 mục cần lưu ý khi điền hồ sơ đăng ký
 
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, trong năm nay, thí sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng bằng 2 hình thức là online và điền hồ sơ giấy từ ngày 27/4 đến 11/5.  Đáng chú ý, nếu điền hồ sơ online thì khi phát hiện sai sót, các bạn có thể tự truy cập bằng tài khoản cá nhân để chỉnh sửa. 
 
 
TS. Lê Thị Thanh Mai đã có những chia sẻ bổ ích về việc chuẩn bị hồ sơ dự thi, xét tuyển đại học năm 2021
 
Bên cạnh đó, cô Mai lưu ý đến các bạn 2k3 3 mục cần chú ý khi đăng ký hồ sơ, đó là mục số 9, 15 và 21. Theo đó, tại mục số 9, các bạn cần kiểm tra xem đã tick vào ô đồng ý cho hệ thống sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường hay chưa, nếu không tick thì điểm thi THPT sẽ không được dùng để xét đại học. Khi đã đồng ý tick vào thì cần nêu rõ ra ngành muốn đăng ký, nguyện vọng cụ thể là gì tại mục số 21. Mục số 15 là mục thuộc diện miễn thi ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp vì hiện nay có nhiều trường đại học sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như IETLS để xét tuyển và quy đổi điểm tương đương. 
 
An tâm chọn ngành với cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở 
 
Hiện tại, nhiều ngành ở nước ta luôn trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể kể đến là các ngành liên quan đến kinh tế như Quản trị kinh doanh, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Tài chính – ngân hàng, Kế toán. Trong đó, tổng nhu cầu nhân lực dành cho nhóm ngành về Quản trị kinh doanh và Thương mại điện tử chiếm 20%, riêng tại TP.HCM thì chiếm đến 30% tỉ trọng.
Trong buổi tư vấn, chuyên gia còn cung cấp thông tin chi tiết về cách hiểu, cơ hội việc làm và những tố chất cần có ở ngành Bất động sản - một trong những ngành mới tại UEF.
 
 
Ông Trần Anh Tuấn đã đưa ra những nhận định về nguồn nhân lực giúp sinh viên vững tâm chọn nghề
 
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, dù muốn làm việc ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào thì ngoại ngữ luôn là yếu tố cần thiết. Đây là điều kiện bắt buộc nếu muốn phát triển trong thời đại hội nhập quốc tế của đất nước.
 
Xét từ nội tại bản thân để có quyết định đúng đắn
 
Hiện tại, các trường đại học đã đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, cơ hội vào đại học của học sinh rộng mở hơn. Tuy nhiên, chính bản thân mỗi bạn cần 4 yếu tố sau để có sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
 
 
ThS. Phạm Doãn Nguyên đã chia sẻ về những yếu tố nội tại quan trọng của mỗi thí sinh khi chọn ngành
 
Đầu tiên là định vị bản thân: phải xác định phẩm chất, năng lực cá nhân, tính cách, sở thích, sở trường, điều kiện kinh tế bản thân và gia đình. Thứ hai, định vị ngành nghề: mỗi ngành nghề sẽ cần có những tố chất, yêu cầu khác nhau vì vậy cần xem xét mình có hợp với nghề mình muốn hay không. Thứ ba, định vị thị trường lao động: tự tìm hiểu, dự đoán, nhận định về thị trường lao động trong nước, quốc tế và các khu vực lân cận trong 5, 10 năm tới để xem có cơ hội phát triển trong tương lai hay không. Cuối cùng là cần xác định mục tiêu nghề nghiệp. Kết hợp được các yếu tố này, các bạn sẽ có những sự quyết định phù hợp.
 
Định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10
 
Một trong những yếu tố góp phần vào sự lựa chọn ngành nghề của các bạn học sinh xuất phát từ môi trường cấp 3. Theo cô Lê Thị Hồng Anh, tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, từ năm lớp 10 các em đã có những buổi sinh hoạt, định hướng để làm nền cho các lựa chọn sau này. 
 
 
Cô Lê Thị Hồng Anh cho biết Trường THPT Võ Văn Kiệt định hướng chọn ngành cho học sinh từ lớp 10
 
Cũng theo cô Hồng Anh, chọn ngành nghề không phải chỉ cần yêu thích mà cũng cần có trải nghiệm thực tế. Trường THPT Võ Văn Kiệt luôn tạo điều kiện để học sinh tham gia các cuộc thi, cho các bạn học sinh hóa thân thành những người làm nghề gắn với các ngành học.
Hy vọng với những chia sẻ của thầy cô chuyên gia, các bạn có thêm những kinh nghiệm, kiến thức khi chọn ngành nghề và hạn chế sai sót trong quá trình hoàn thiện hồ sơ của mình. Quý phụ huynh và các bạn học sinh hãy cùng tiếp tục theo dõi chương trình Step Up Your Future vào lúc 19g30 thứ năm ngày 29/4/2021 với chủ đề “Chọn phương thức xét tuyển nào để có cơ hội trúng tuyển cao” trên kênh Fanpage UEF và Tạp chí giáo dục TP.HCM.
 
Tin: Quy Nguyễn
Ảnh: Hoàng Phúc
TIN LIÊN QUAN