Menu
  
Ngành

Phân biệt ngành Khoa học dữ liệu với ngành Công nghệ thông tin

20/05/2024
Trong thời đại số như hiện nay, nhóm ngành Công nghệ thông tin đang ngày càng khẳng định vị thế của mình ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Nhận thấy được điều đó, đông đảo các bạn trẻ yêu thích máy tính và đam mê công nghệ đã lựa chọn theo học nhóm ngành này. Thế nhưng trước khi đăng ký xét tuyển, nhiều thí sinh vẫn còn khía cạnh chưa rõ khi "nhận diện" ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin. 
Vậy, cách phân biệt ngành Khoa học dữ liệu với ngành Công nghệ thông tin là gì? Chương trình đào tạo ở UEF và nhu cầu tuyển dụng có gì khác nhau? Để có góc nhìn toàn diện hơn về hai ngành học này, các bạn có thể tham khảo qua bài viết dưới đây.
 
Vẫn còn thí sinh nhầm lẫn khi “nhận diện” ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin

Ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin được hiểu như thế nào?
Để phân biệt, trước tiên các bạn cần phải tìm hiểu và nắm rõ khái niệm của 2 ngành học này.
Khoa học dữ liệu là ngành học gắn liền với việc quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. Mục đích chính của ngành này là biến đổi một lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, làm thế nào để định vị được thành mô hình kinh doanh, từ đó giúp đỡ các tổ chức tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường và làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
 
Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai ngành sẽ giúp thí sinh có sự lựa chọn phù hợp với bản thân 

Công nghệ thông tin là ngành học liên quan đến phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Mục đích của khối khoa học tổng hợp này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Chương trình học của ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin ở UEF 
Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, sinh viên theo học ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin tại UEF sẽ được đào tạo theo lộ trình và định hướng khác nhau.
 
Ở UEF, nhóm ngành Công nghệ thông tin được đầu tư phát triển 

Đối với ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Song song đó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.
Một số môn học tiêu biểu của ngành Khoa học dữ liệu là Thu thập và tiền xử lý dữ liệu, Máy học, Lập trình cho Khoa học dữ liệu với Python,...
Đối với ngành Công nghệ thông tin, sinh viên theo học được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, các kiến thức cơ bản như mạng máy tính, hệ thống thông tin, lập trình,... Đi sâu vào ngành này, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về bảo mật hệ thống thông tin,…
Một số môn học tiêu biểu của ngành Công nghệ thông tin là Bảo mật thông tin, Công nghệ java, Phát triển ứng dụng desktop, Công nghệ phần mềm,...
 
UEF có nhiều hoạt động giúp sinh viên cọ xát thực tiễn bên cạnh các lớp học lý thuyết

Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin
Bên cạnh yếu tố về chương trình đào tạo và kiến thức chuyên ngành, bạn cũng có thể phân biệt ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin dựa vào vị trí nghề nghiệp.
 
Nhiều vị trí nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên ngành Khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ thông tin

Những vị trí công việc và môi trường làm việc mà sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu có thể ứng tuyển  như:
- Chuyên viên phân tích, khai thác, xử lý dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế xã hội (dữ liệu kinh doanh, dữ liệu tài chính, dữ liệu marketing,…).
- Chuyên viên phát triển các hệ thống phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp.
- Chuyên viên tư vấn giải pháp quản trị dữ liệu cho doanh nghiệp.
- Giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu về khoa học dữ liệu trong tổ chức giáo dục.
Cơ hội việc làm của các bạn theo học ngành Công nghệ thông tin có thể kể đến như:
- Lập trình viên: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ như phần mềm, hệ thống thông tin;
- Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra;
- Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính;
- Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin;
- Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo…
Trên đây là các thông tin về cách phân biệt ngành Khoa học dữ liệu với ngành Công nghệ thông tin. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn thí sinh có cái nhìn toàn diện và rõ ràng hơn về ngành nghề, từ đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN