Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển và thay đổi từng ngày, các ngành học liên quan đến lĩnh vực này ngày càng được nhiều thí sinh lựa chọn. Đặc biệt, hai ngành học phổ biến nhưng thường bị nhầm lẫn với nhau là Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin. Cả hai đều đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai số hóa nhưng mỗi ngành lại có những đặc trưng và công việc riêng. Bài viết này sẽ giúp các bạn phân biệt ngành Kỹ thuật phần mềm với ngành Công nghệ thông tin, từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
Ngành Kỹ thuật phần mềm và ngành Công nghệ thông tin được hiểu như thế nào?
Để có sự lựa chọn phù hợp, các bạn cần nắm rõ khái niệm của từng ngành học.
Kỹ thuật phần mềm là ngành học chuyên nghiên cứu việc sử dụng các kỹ thuật toán học, công nghệ, lập trình, khoa học, thiết kế,… một cách có hệ thống, nguyên tắc để tạo ra, kiểm tra, đánh giá và bảo trì những phần mềm, chương trình trên hệ thống máy tính.
Nhiều thí sinh đam mê về công nghệ nhưng chưa phân biệt được hai ngành Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin
Trong khi đó, Công nghệ thông tin là ngành học có độ phủ rộng hơn, liên quan đến phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Mục đích của khối khoa học tổng hợp này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền tảng công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Sự khác nhau trong chương trình học
Với mục tiêu đào tạo gắn kết thực tiễn, UEF thiết kế chương trình đào tạo riêng biệt và chuyên sâu đối với từng lĩnh vực. Mục tiêu là giúp sinh viên có thể ứng dụng được lý thuyết vào thực tế công việc một cách bài bản.
Khi theo học ngành Kỹ thuật phần mềm, các bạn sẽ được cung cấp những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp và kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển các phần mềm khác. Ngoài ra, sinh viên sẽ được trang bị thêm những kiến thức cần thiết khác để hỗ trợ trong việc hoàn thành các dự án phần mềm như: thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.
Trong từ một đến hai năm đầu, sinh viên sẽ được học các môn đại cương và môn cơ sở ngành như: giải tích, xác suất thống kê, lập trình, cấu trúc dữ liệu, nhập môn Công nghệ phần mềm,... Sang đến năm thứ ba, sinh viên sẽ được lựa chọn chuyên ngành để học chuyên sâu.
Chương trình học tại UEF được thiết kế gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp
Đối với ngành Công nghệ thông tin, sinh viên theo học được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, các kiến thức cơ bản như mạng máy tính, hệ thống thông tin, lập trình,... Đi sâu vào ngành này, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về bảo mật hệ thống thông tin,…
Một số môn học tiêu biểu của ngành Công nghệ thông tin là Bảo mật thông tin, Công nghệ java, Phát triển ứng dụng desktop, Công nghệ phần mềm,...
Sự khác nhau về cơ hội việc làm
Đều là những công việc liên quan đến số hóa, tuy nhiên, cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin lại có những vị trí công việc khác nhau. Cụ thể.
Đối với ngành Kỹ thuật phần mềm, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí sau:
- Kỹ sư phát triển phần mềm, phát triển game, thiết kế website, tư vấn giải pháp công nghệ tại các tập đoàn công nghệ;
- Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì phần mềm trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có ứng dụng công nghệ thông tin;
- Nghiên cứu và giảng dạy lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng;
- Phát hành các sản phẩm game, ứng dụng trên thiết bị di động.
Cơ hội việc làm rộng mở dành cho nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật
Đối với ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí sau:
- Lập trình viên: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ như phần mềm, hệ thống thông tin;
- Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra;
- Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính;
- Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin.
Bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin giúp thí sinh phân biệt ngành Kỹ thuật phần mềm với ngành Công nghệ thông tin. Thông qua bài viết, hy vọng các bạn đã nắm rõ sự khác biệt giữa hai ngành và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
TT.TT-TT