Ngày 14/4, Khoa Kinh tế UEF đã tổ chức Vòng Chung kết cuộc thi Young Economists - Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên 2024 - 2025. Với 17 đề tài được trình bày trước 4 hội đồng chuyên môn, sự kiện là cột mốc đánh dấu hành trình học tập và nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên, đồng thời thể hiện tư duy phân tích, khả năng vận dụng kiến thức chuyên ngành vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế thực tiễn.
Khoa Kinh tế thành lập 4 Hội đồng để nghiệm thu 17 đề tài vào ngày 14/4
Đào sâu câu chuyện tối ưu hóa lĩnh vực logistics và nghiên cứu hành vi tiêu dùng hiện đại
Hội đồng nghiệm thu 1 được thành lập gồm: TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh - Chủ tịch; TS. Nguyễn Thị Cúc Hồng - Phản biện; ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Ủy viên, Thư ký. Những đề tài liên quan đến lĩnh vực logistics, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng hiện đại đã được các bạn sinh viên tập trung khai thác dưới góc nhìn thực tiễn và ứng dụng cao.
4 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên tham gia nghiệm thu gồm có: (1) Lựa chọn địa điểm đặt nhà kho tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh chuyển đổi số – Nghiên cứu thực nghiệm dựa trên phương pháp phân tích thứ bậc AHP; (2) Lưu trữ bền vững hướng đến giao hàng chặng cuối kịp thời (just-in-time last-mile delivery): Góc nhìn của người tiêu dùng; (3) Nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp bán lẻ thông qua chính sách logistics ngược: Góc nhìn người tiêu dùng; (4) Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm OCOP của người tiêu dùng tại TP.HCM. Trong đó 3 đề tài đầu tiên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa, Khoa Kinh tế. Đề tài còn lại được hướng dẫn bởi TS. Nguyễn Anh Duy - Trưởng ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế.
Những góc nhìn mới trong giải pháp xanh và mở rộng tầm nhìn quốc tế
Hội đồng nghiệm thu 2 có các thành viên: TS. Phạm Quốc Hải - Chủ tịch; TS. Tăng Mỹ Hà - Phản biện; ThS. Trần Hoàng Nam - Ủy viên, Thư ký.
Những đề tài mới xoay quanh các vấn đề kinh tế xanh, mô hình làm việc hybrid, truy xuất nguồn gốc trong thương mại điện tử,… đã mang lại sắc màu thú vị cho buổi nghiệm thu. Hội đồng đều đánh giá cao sự mới mẻ trong cách triển khai đề tài của các tác giả. Đồng thời, thầy cô cũng thẳng thắn góp ý điều chỉnh cho các bạn tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu.
Các nhóm sinh viên trình bày đề tài nghiên cứu của mình trước Hội đồng
5 đề tài báo cáo tại Hội đồng này gồm có: (1) Các yếu tố logistics nhân đạo trong thời điểm chuyển đổi kinh tế nâu sang kinh tế xanh nhằm ứng phó thiên tai tại Việt Nam; (2) Nghiên cứu về các nhân tố trong việc nhập khẩu phế liệu hướng đến phát triển kinh tế xanh; (3) Quản trị đa văn hóa trong mô hình làm việc kết hợp (hybrid-working): Góc nhìn của người lao động thế hệ mới; (4) Lòng tin người tiêu dùng đối với mỹ phẩm xuyên biên giới: Vai trò của truy xuất nguồn gốc trong bối cảnh thương mại điện tử; (5) Assessment of import and export activities Vietnam and the United States under the Trump 2.0 administration: Opportunities, challenges and solutions. Trong đó 4 đề tài đầu tiên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Đỗ Thị Thu Hà. Đề tài còn lại được hướng dẫn bởi TS. Nguyễn Thành Lân - Giảng viên.
Nỗ lực khai thác để mang đến đề tài giàu tính mới
Thành viên hội đồng nghiệm thu 3 có: TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh - Chủ tịch; TS. Nguyễn Thành Lân - Phản biện; TS. Trần Thanh Trúc - Ủy viên, Thư ký. Hội đồng đã đưa ra những đánh giá, nhận xét chi tiết cho các đề tài, ghi nhận và khích lệ tinh thần của sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục 4 đề tài được tiến hành báo cáo trong buổi nghiệm thu gồm: (1) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động logistics: Bài học hậu bão Yagi; (2) Đo lường tác động của biện pháp phi thuế quan đến xuất khẩu nông sản trái cây của Việt Nam trong bối cảnh thực thi FTA thế hệ mới: Áp dụng mô hình trọng lực (gravity model); (3) Tác động của quản lý chuỗi cung ứng xanh đến lợi thế cạnh tranh và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp dệt may ở khu vực TP.HCM; (4) Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ xe công nghệ xanh SM của sinh viên các trường đại học tại TP.HCM. Trong đó 3 đề tài đầu tiên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Phó Trưởng khoa, Khoa Kinh tế. Đề tài còn lại được hướng dẫn bởi ThS. Trần Hoàng Nam - Trưởng ngành Bất động sản.
Các nghiên cứu về tiêu dùng, công nghệ và bền vững trong thời đại chuyển đổi số
Hội đồng nghiệm thu 4 gồm các thành viên: TS. Phạm Quốc Hải - Chủ tịch; TS. Nguyễn Anh Duy - Phản biện; ThS. Lê Hoàng Tiến - Ủy viên, Thư ký.
4 đề tài báo cáo tại Hội đồng này gồm có: (1) Các yếu tố thúc đẩy ý định mua hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử do TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh hướng dẫn; (2) Tác động của yếu tố công nghệ và xã hội đến năng lực cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp trong chuyển đổi số hướng đến mục tiêu xanh tại TP.HCM do TS. Nguyễn Phước Thiện hướng dẫn; (3) Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua căn hộ chung cư đạt chuẩn công trình xanh ở TP.HCM do ThS. Trần Hoàng Nam hướng dẫn; (4) Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng logistics xanh của người tiêu dùng tại Việt Nam do ThS. Trần Minh Tú hướng dẫn.
Mỗi nhóm có 15 - 30 phút để trình bày nội dung nghiên cứu và phản biện, làm rõ các yếu tố như bối cảnh, lý do chọn đề tài, mục tiêu - phương pháp nghiên cứu, kết quả phân tích và các hàm ý quản trị. Qua đó, sinh viên vừa rèn luyện kỹ năng trình bày chuyên nghiệp, cũng vừa học cách bảo vệ quan điểm và xử lý phản biện từ Hội đồng.
Các nhóm tác giả tham gia nghiên cứu khoa học đợt này đa số đều là sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba. Có những bạn đã tích lũy cho bản thân khá nhiều kinh nghiệm, cũng có những bạn vừa “chạm tay” nghiên cứu nên dẫn đến còn nhiều hạn chế trong công trình của mình.
Hội đồng đưa ra những đánh giá, nhận xét giúp các bạn sinh viên cải thiện đề tài nghiên cứu
Thông qua hành trình nghiên cứu, sinh viên đã tiếp cận được phương pháp nghiên cứu khoa học bài bản. Các bạn cũng phát triển rõ rệt kỹ năng tư duy phản biện, phân tích dữ liệu và trình bày học thuật chuyên sâu. Đây là nền tảng quan trọng giúp sinh viên nâng cao năng lực nghề nghiệp và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi không ngừng của thị trường lao động trong tương lai.
Sau phần trình bày, các nhóm nghiên cứu được lắng nghe góp ý, đề xuất cũng như phản biện từ phía hội đồng. Với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, các thầy cô đã có những lời nhận xét để mỗi nhóm cải thiện bài nghiên cứu của mình trên nhiều phương diện khác nhau, từ hình thức trình bày, các lỗi sai, sự hạn chế việc trích dẫn tài liệu dẫn chứng trong quá trình phân tích cho đến nâng cao chất lượng giải pháp.
Từ đó, các bạn sinh viên có cơ hội để học hỏi, tiếp thu và phát triển thêm kiến thức cũng như kỹ năng của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hội đồng khuyến khích và động viên để các bạn tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê với nghiên cứu và tiếp tục thực hiện những đề tài khác trong năm học tiếp theo.
Buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa Kinh tế đánh dấu sự trình làng của hàng loạt dự án thiết thực và ý nghĩa từ các bạn sinh viên. Những đề tài xuất sắc sẽ được công bố và tiếp tục tham gia các cuộc thi cấp cao hơn. Nhà UEF cũng gửi lời chúc mừng đến các bạn sinh viên đã hoàn thành những đề tài nghiên cứu chất lượng, góp phần xây dựng cộng đồng học thuật ngày càng đa dạng và phát triển.
TT.TT-TT