Menu
  
Hoạt động quốc tế

[Đồng giảng] Giảng viên Viện quốc tế UEF chia sẻ kiến thức Công nghệ tài chính cho sinh viên Indonesia

07/12/2021
Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng Công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng được quan tâm với nhiều lợi ích dành cho khách hàng. Xoay quanh vấn đề này, chiều ngày 6/12 vừa qua, TS. Phạm Thị Ánh Ngọc – Phó Viện Trưởng Viện quốc tế UEF đã được mời làm diễn giả chính của buổi đồng giảng, chia sẻ cùng sinh viên trường Đại học Padjadjaran, Indonesia với chủ đề "Financial Technology: The future of Finance".
 

Ngoài các bạn sinh viên, lớp học còn có sự tham dự của giảng viên 2 trường UEF và Đại học Padjadjaran
 
Buổi đồng giảng có sự tham dự của thầy cô giảng viên, sinh viên UEF và Đại học Padjadjaran, Indonesia. Trên nền tảng trực tuyến, cô Ánh Ngọc đã chia sẻ tổng quan về Công nghệ tài chính, các ứng dụng hiện tại, lợi ích của ứng dụng Công nghệ tài chính, xu hướng tương lai, thách thức và cơ hội trong lĩnh vực. Đồng thời, cô cũng chỉ rõ những ứng dụng Công nghệ tài chính trong hệ thống ngân hàng, quản lý truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản ở Việt Nam. 
Theo đó, xu thế Fintech trong lĩnh vực ngân hàng thường được chia thành 2 nhóm phân theo đối tượng. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác để cải thiện cách thức các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các dự án startup. Nhóm thứ hai là các sản phẩm công nghệ “back-office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các Fintech và định chế tài chính.
 



Có hơn 150 sinh viên đã tham gia lớp đồng giảng
 
Bằng những nghiên cứu về lý thuyết trong lĩnh vực và phỏng vấn các chuyên gia có từ ít nhất 5 năm kinh nghiệm về Fintech, cô Ngọc đã chỉ ra cho sinh viên những xu hướng Công nghệ tài chính đang phổ biến và phát triển của thị trường. Có thể kể đến như: tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền điện tử - Digital currencies), cổng thanh toán điện tử (Payment gateway), thanh toán di động (Mobile payment), quản lý tài chính cá nhân (Budgeting app), cho vay ngang hàng (Peer to peer lending) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). 
 

Trước đó, TS. Phạm Thị Ánh Ngọc cũng đã chia sẻ về vấn đề công nghệ trọng điểm và sự phát triển của tài năng trẻ trong lĩnh vực này
 
 
Mỗi hình thức sẽ có sự tối ưu và những đặc điểm hoạt động khác nhau, song chung quy lại, các loại hình công nghệ tài chính ra đời nhằm giảm áp lực cho việc giải quyết các vấn đề tài chính theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra, những hình thức này còn mang một số điểm nổi bật như nhanh chóng, đơn giản, tiện lợi,… Tuy nhiên, các loại hình này lại ẩn chứa một số rủi ro nhất định. Vì vậy, người dùng cần nắm rõ quy tắc để an toàn khi sử dụng.
Chương trình khép lại với nhiều kiến thức bổ ích về Công nghệ tài chính. Hoạt động đồng giảng và hình ảnh các giảng viên UEF đứng lớp chia sẻ kiến thức cho sinh viên nước ngoài góp phần nâng cao hình ảnh quốc tế hóa của Nhà trường. Đối với sinh viên UEF, tham gia các lớp học này không chỉ được cập nhật kiến thức về chuyên ngành mà qua đó còn được nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, mở rộng tính kết nối, giao lưu cùng sinh viên quốc tế. 
 
Tin: Quy Nguyễn
Ảnh: Viện quốc tế 
TIN LIÊN QUAN